Chuyện chứng trường

Đất làng lên phố. Dăm ba sào ruộng khoán biến thành nhà kính sáng choang. Vốn chân chỉ hạt bột, ngày nhận tiền đền bù, cậu ta mang đến ngân hàng gửi lấy lãi hàng tháng, chứ quyết không bước chân vào "Tứ đổ tường" như người này, kẻ nọ…

Thời gian đầu, cậu đắc ý lắm, ăn không ngồi rồi mà vẫn có tiền tiêu! Nhưng được một thời gian ngắn thì buồn chán. Tự nghĩ ra việc để làm (ông chủ) thì khó và không đủ tự tin nên cậu đi xin việc. Nhưng vốn chỉ quen con trâu đi trước, cái cày theo sau, bây giờ có lên đời công nhân thì cũng chỉ ráo mồ hôi là hết tiền. Dẫu vài lần nhảy việc nhưng cũng chỉ là "bỏ đời bốc vác sang nghề bưng bê". Nhu cầu dần tăng lên, chi phí cũng tăng lên, dẫn đến nguy cơ lẹm vốn.

Thế rồi, cậu ta quan tâm đến chứng khoán, dù ban đầu cho rằng, đó chỉ là trò chơi may rủi khi mọi người mua đi bán lại những tờ giấy, với khoản lãi của người này là khoản lỗ của người kia. Sức hấp dẫn của một quyết định đúng mang lại khoản lãi bằng cả năm gửi tiết kiệm từ thực tế một số người trong làng đã chiến thắng tâm lý ngại rủi ro.

Trước khi bỏ vốn vào chứng khoán, cậu ta cũng dành không ít thời gian, tiền bạc để tìm hiểu: tủ sách cả trăm cuốn về kinh tế, chứng khoán; máy tính nối mạng Internet…

Ban đầu, cậu chỉ tính mua một vài cổ phiếu tốt rồi để đấy, coi như gửi tiết kiệm dài hạn, với kỳ vọng nhận được khoản lợi nhuận cao gấp đôi ngân hàng chi trả. Nhưng thị trường dường như chiều NĐT mới nên mã cổ phiếu vừa mua đã tăng giá. Một phép tính đơn giản xuất hiện: một năm quay vòng vài lần khoản lãi như vậy thì chẳng mấy mà giàu. Thế là mục đích đầu tư trung - dài hạn tạm thời chuyển sang ngắn hạn. Những vụ đầu tư ban đầu thắng nhiều hơn thua, dẫn đến tỷ trọng tài sản dành cho chứng khoán của cậu ta dần tăng lên.

Thời kỳ mừng, vui nhiều hơn buồn, lo lắng không kéo dài. Tình hình đầu tư ngày càng khó khăn khiến cậu ta hoang mang. Cổ phiếu tốt giá giảm là do thị trường đang định giá sai, nhưng chờ đến khi nào? Có mã vừa cắt lỗ xong thì tăng giá; có mã giá vừa tăng đã bán ra, bỏ lỡ cơ hội thu lợi nhuận cao; có mã giảm ít thì không bán ngay, đến khi lỗ nhiều quá, không chịu nổi "nhiệt" đành phải bán… Trong khi đó, phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật không đến nỗi nào. Đúng là lý thuyết sách vở không dễ đem ra áp dụng. Nếu không, những vị chuyên đi giảng dạy đầu tư chắc hẳn phải giàu lắm!

Ai đó nói rằng: "Người thất bại là người không học được từ những sai lầm của mình. Nếu bạn có thể kiếm tiền từ những sai lầm đó, bạn đang đi đến thành công". Vậy nhưng, kinh nghiệm trên TTCK không giống như "trời mưa tránh trắng, trời nắng tránh đen". Thực tế cho thấy, tin tốt chưa hẳn giúp giá tăng, tin xấu chưa chắc giá sẽ giảm; giá xuống mức hỗ trợ chưa dễ bật lại, giá chạm ngưỡng kháng cự nhiều khi lại vượt qua; P/E vài ba lần vẫn đắt, P/E trên trăm lần vẫn là rẻ; T+4 nhiều khi không bị xả, T+2 có khi lại ứ cung…

Lý thuyết "bước đi ngẫu nhiên" có vẻ đúng trong nhiều trường hợp. Bởi lẽ, giá không chỉ phản ánh những sự kiện liên quan, mà nó còn thể hiện những cảm xúc của NĐT, tâm lý phổ biến chung và tâm trạng ở thời điểm đó. Đặc biệt, giá cả có thể dịch chuyển dựa vào kỳ vọng của NĐT, chứ không nhất thiết dựa vào sự kiện. Vì thế, có người bi quan: mỗi lần ngã là một lần bớt dại, nhưng bạc đầu rồi vẫn chưa khôn!

Đang tính đến chuyện "rửa tay gác… chứng" thì trào lưu đầu tư theo tin đồn, tin làm giá xuất hiện, mang lại cơ hội kiếm lợi nhuận khủng. Bạn bè rỉ tai "CTCK là trạm trung chuyển tin đồn", nên cũng như nhiều NĐT khác, cậu ta mở thêm một số tài khoản (đứng tên người quen). Một mặt, lách quy định cấm cùng mua bán một mã chứng khoán trong phiên và tận dụng cơ hội lướt sóng T+, mặt khác nhằm nhận được sự tư vấn, đặc biệt là "phím hàng" của các CTCK.

Hàng ngày, cậu ta tiếp nhận rất nhiều thông tin, không chỉ là các bản phân tích cổ phiếu, nhận định thị trường gửi vào email, mà còn là thông tin sớm về kết quả lợi nhuận, về các dự án đầu tư, về chia thưởng, đặc biệt là mã này mã kia đang và sẽ được "làm giá"… thông qua chát chít với nhân viên môi giới của các CTCK.

Thực tế, tin thật tin đồn lẫn lộn, nhưng nó có tác động mạnh đến thị trường. Bởi lẽ, không ít khách hàng ra quyết định mua bán theo thông tin đó và rồi lại loan báo cho bạn bè, cho các diễn đàn mạng. Một đồn mười, mười đồn trăm, lượng cầu tăng lên tất yếu cổ phiếu đó tăng giá. Tin đồn chủ yếu xảy ra với những mã cổ phiếu nhỏ, nên những mã này "nổi sóng", nhưng thị trường chung không có nhiều biến động. Chỉ tội các blue-chip, do "nặng mông" (khối lượng cổ phiếu lưu hành lớn) nên cứ ì ạch, ì ạch.

Giai đoạn đó, rất nhiều NĐT dành tiền mặt để lướt sóng những cổ phiếu có tin đồn bằng cách bán ra phần lớn mã đang có trong danh mục, dù trước đó xác định đó là khoản đầu tư trung - dài hạn hoặc không đạt giá mục tiêu là không bán. Trong cơn lốc xoáy đó, các CTCK đẩy mạnh tiếp thị đòn bẩy tài chính, một số công ty cấp tín dụng không tính lãi cho đến ngày T+3... Rủi ro cao nên nhiều NĐT lãi lỗ một chút là bán.

Trào lưu nào rồi cũng đến lúc thoái trào, các đối tượng bị "kẹp" hàng không ít, trong đó có cậu ta. Bán cắt lỗ thì tiếc, nhất là khi mất 20% thì phải lãi 40% mới bù lại, thế nên đành an ủi "chưa bán là chưa lỗ", chấp nhận đầu tư dài hạn, chờ giá lên. Bên mua thì hạn chế giao dịch, chờ đợi. Thị trường vì thế kém thanh khoản, lình xình trong xu hướng giảm. Gần đây, cậu ta nhận được tin mã này lợi nhuận khủng, mã kia đã thoát lỗ… nên lao vào, nhưng rồi "dính chưởng". Nghe phong thanh rằng, một số CTCK coi các đội làm giá, đội tin đồn như "người nhà". Vì nhờ đó mà công ty không những thu được nhiều phí giao dịch, nâng cao thị phần môi giới, mà còn đẩy được hàng tồn tự doanh. Vậy nên, cậu ta giờ đây đang "bế quan luyện công". TTCK nhiều chiêu độc lắm!

Cuối tuần qua, nghe đồn là một số đội bắt đầu đánh lên, không biết cậu ta có biết?

Theo ĐTCK

0 comments:

Post a Comment