Thị trường sẽ có một đợt sóng mạnh trong quý 3


Thị trường sẽ có một đợt sóng mạnh trong quý 3

Trong thời gian tới, lượng tiền hy vọng được bung ra nhiều hơn. Thị trường chứng khoán cũng không thể giảm mãi được.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng (IIB),kinh tế trưởng của Cty CPCK Standard (SSJ), cho rằng thị trường chứng khoán tháng 8 xoay quanh mức 450-500. Trong quý 3 này, thị trường sẽ có nhiều động lực hỗ trợ cho sự phục hồi của chỉ số VN-Index và nhà đầu tư cần nắm bắt các cơ hội ở từng thời điểm.
        Ngày 14/8, CTCP Chứng khoán FPT (FPTS) tổ chức buổi Hội thảo “Lựa chọn thị trường giao dịch hiệu quả”. Tại đây, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng VN-Index có thể lên mốc 550 điểm vào thời điểm tháng 9 hoặc tháng 10 tới.
        Nguyên nhân là do đến cuối quý 3 nguồn cung tiền ngân sách và tín dụng sẽ tạo lực cầu cho thị trường, Chính phủ tiếp tục thực hiện các kế hoạch đầu tư. Thêm vào đó, một số “đội lái” có thể hoạt động tích cực hơn. Do đó, các nhà đầu tư không nên quá bi quan mà nên tìm cơ hội đầu tư từ thị trường trong thời gian này.
Những động lực cụ thể đối với thị trường vào cuối quý 3 là tín dụng ngân hàng và nguồn cung tiền của Chính phủ dự kiến tăng mạnh. Yếu tố đóng góp tích cực khác nữa là lãi suất cho vay đang có tín hiệu giảm, nhiều khả năng lãi suất huy động về khoảng 9-10%, lãi suất cho vay 12-14% vào cuối quý này.
       Trước sự chuyển biến tích cực của thị trường tiền tệ, dòng tiền cho vay đầu tư chứng khoán cũng sẽ khởi sắc trở lại. Ngoài ra, nhiều ngành nghề đến cuối năm có bước tăng trưởng theo đà phục hồi của nền kinh tế thế giới sau khi ổn định nợ công châu Âu.
      Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng đến cuối năm 2010, thị trường có thể giảm về mức hợp lý 480 - 520. Nguyên nhân là do kinh tế vĩ mô trong nước chưa có nhiều điều kiện tốt, bất động sản chưa phục hồi do còn ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính công ở châu Âu. Do đó, ông khuyến nghị nếu có một đợt sóng mạnh thì các nhà đầu tư nên biết nắm bắt.
      Tại hội thảo, TS. Đinh Thế Hiển đã chia sẻ về những phản ứng của nhà đầu tư trong thời gian qua và các nhận định thời gian tới.
       Thưa ông, đâu là rủi ro lớn nhất của nền kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm?
       Rủi ro lớn nhất đối với kinh tế thế giới là Chính phủ không kiểm soát được tâm lý của người dân. Ví dụ bên châu Âu, Chính phủ các nước thực hiện chính sách giảm bớt an sinh xã hội gây phẫn nộ cho người dân.
Khi người dân không chịu chia sẻ những khó khăn của nền kinh tế với nhà nước thì có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi đến kinh tế thế giới. Ở Trung Quốc, họ chưa thể giải quyết được sự bất ổn gây ra nguồn tiền mà họ tích lũy được, ví như trong trường hợp họ muốn chuyển nguồn tiền qua bất động sản thì dễ tạo ra bong bóng cho thị trường này.
       Còn tại Việt Nam, ở đây rủi ro lớn là nằm trong bản chất cấu trúc nền kinh tế. Tổng thâm dụng vốn trong nền kinh tế quá cao, cho nên khi nền kinh tế thuận lợi thì ta hào hứng làm ăn và càng làm ăn thì càng cần nhiều vốn.
       Khi cả nền kinh tế bị cuốn theo vòng xoáy đó thì nó sẽ tạo ra dòng tiền bị dư thừa và được đẩy qua các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán. Vòng xoáy này, một mặt làm cho mặt bằng lãi suất tăng, mặt khác tạo ra bong bóng tài sản và cuối cùng làm suy yếu nền kinh tế. Đó là những rủi ro khiến nền kinh tế nước ta chưa phát triển bền vững.
       Tuần qua, VN-Index giảm khá mạnh, ông có cho rằng các nhà đầu tư đang bi quan quá mức ?
        Tôi cho rằng những phản ứng của các nhà đầu tư là khá hợp lý. Thời gian qua, kinh tế vĩ mô đang có những tin xấu. Ví dụ, các biện pháp điều hành của Chính phủ trong vấn đề đầu tư chưa hợp lý, doanh nghiệp nhà nước làm ăn thiếu hiệu quả, lãi suất ngân hàng chưa có dấu hiệu giảm.
        Còn trên thị trường chứng khoán, nguồn cung cổ phiếu tăng mạnh, trong khi đó nguồn tiền thì chưa đủ lớn. Như vậy, phản ứng của nhà đầu tư trong thời gian qua không chỉ là tâm lý mà còn là cách ứng xử trước các điều kiện kinh tế vĩ mô.
       Ông dự báo thế nào về sự phục hồi của thị trường trong thời gian tới?
      Theo tôi, mặc dù tiến trình phục hồi kinh tế có những trục trặc nhưng chúng ta cũng sẽ vượt qua. Trong thời gian tới, lượng tiền hy vọng được bung ra nhiều hơn. Thị trường chứng khoán cũng không thể giảm mãi được. Với những động lực này, thị trường chứng khoán sẽ khả quan hơn. Tôi nghĩ VN-Index sẽ ở mức 480-520 trong giai đoạn cuối năm.
Theo Xuân Anh

1 comments:

August 16, 2010 at 9:36 AM Anonymous said...

1/Kinh tế trưởng của SSJ Đinh Thế Hiển nói sẽ có sóng ở tháng 9 và tháng 10. Không biết ông ấy đoán có đúng ko nhưng với uy tín của ông ấy cũng đủ tạo sóng.
2/Điểm tích cực thứ 2 là các Ngân hàng thương mại bội thu về huy động vốn nên tín dụng sẽ cải thiện vào các tháng cuối quý 3 và đầu quý 4.

Post a Comment