Đầu tư theo tin đồn: 5 ăn - 5 thua

Dựa vào nguyên lý “giá và khối lượng giao dịch phản ánh tất cả”, NĐT sẽ dễ dàng kiểm chứng tin đồn, từ đó tránh được những tổn thất không đáng có.

“Mua đi, mua đi, GMD hay lắm đấy. Sắp tới đây GMD sẽ định giá lại tài sản thì quy mô vốn sẽ lên đến hàng trăm tỷ đồng. Giá của nó phải gấp đôi hiện nay!” hay “S12 sẽ tăng gấp 4 lần so với hiện tại vì lợi nhuận sẽ tăng đột biến vào cuối năm nay!” . . .

Những tin tức thuộc dạng “rỉ tai” như vậy liên tục xuất hiện trên thị trường trong những tháng gần đây khiến các NĐT chóng mặt. Khi bỏ ngoài tai thì cổ phiếu cứ liên tục tăng giá đến sốt ruột. Nhưng lúc lao vào thì lại vớ phải trái đắng. Vấn đề đặt ra là có nên đầu tư theo tin đồn? Và liệu có thể sử dụng tin đồn để đầu tư chứng khoán?

Đau đầu vì tin đồn


Sau thời gian dài dậm chân tại chỗ, đầu tháng 9, cổ phiếu SAM (Công ty Cổ phần Cáp và Vật liệu Viễn thông) bỗng đột ngột tăng giá với khối lượng khớp lệnh lớn. Ngay sau đó, thị trường rộ lên thông tin SAM sắp chia thưởng 1:1 và đang có nhiều dự án bất động sản lớn sắp được công bố. Bên cạnh các dự án bất động sản tiềm năng thì dự án sân golf Đà Lạt đã bán được 30% số thẻ cho khách VIP...

Thông tin này liên tiếp dội về khiến ngày 16/9, ban lãnh đạn của SAM phải lên tiếng: SAM chưa có chủ trương chia thưởng 1:1 và không cung cấp bất kỳ thông tin nào về việc này. Còn sân golf Đà Lạt thì phải đến cuối năm nay mới hoàn thành xong 6-7 đường golf và lúc đó mới được bán thẻ cho khách hàng. Các dự án bất động sản khác mới đang ở dạng giải phóng mặt bằng hoặc mới góp vốn.

Sau thông tin xác nhận của ban lãnh đạo, cổ phiếu SAM lại yên vị. Các NĐT nhanh tay mua vào cố phiếu SAM thì thở dài vì bắt hụt.

Hiện trên thị trường đang đầy rẫy các tin đồn về các cổ phiếu như GMD, NTL, SJS, STL, TST . . . Một điều hiển nhiên là các tin đồn này được tung ra không ngoài mục đích “thổi” giá cổ phiếu.

Mới nhất là tin về có phiếu VCG (Tổng Công ty Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam). Sau thời gian hứng chịu tin xấu (VCG bị truy thu hơn 800 tỉ đồng), trong 2 phiên giao dịch cuối tuần trước (16-17/9), VCG đã tăng giá kịch trần. Khi VCG bắt đầu tăng giá, trên thị trường lập tức có thông tin VCG đã nhận được dự án đô thị Tây Mỗ (Hà Nội), dự án này lớn hơn dự án đô thị Bắc An Khánh, lợi nhuận sẽ rất lớn . . .

Về tin đồn mới này, VCG chưa lên tiếng xác nhận hay chối bỏ. Điều này càng khiến NĐT không khỏi băn khoăn.

5 ăn - 5 thua

Đầu tư theo tin đồn là điều tối kỵ đối với NĐT. Thế nhưng, xác suất đầu tư theo tin đồn hiện nay lại đang “5 ăn, 5 thua”. Do đó, mặc dù biết tin đồn là "5 thực, 5 hư", nhưng không ít NĐT vẫn muốn lao theo.

Một thực tế là việc đầu tư theo tin đồn, phần "5 ăn" thường thuộc về các NĐT có tiềm lực vốn lớn, được các công ty chứng khoán “chăm sóc” tận tình. Còn phần "5 thua" thì các NĐT nhỏ thường gánh chịu.

Theo ông Đặng Thanh Thế, Giảng viên Trung tâm Đào tạo chứng khoán DOBF, với việc quản lý còn nhiều lỗ hổng như hiện nay, không tránh khỏi hiện tượng thông tin nội gián bị rò rỉ ra bên ngoài. Thậm chí, ngay cả khi các cơ quan quản lý có các chế tài xử lý thì việc truy xét ai có hành vi sử dụng tin nội gián, tung tin đồn cũng rất khó khăn.

Đơn cử như hiện tượng cổ phiếu SJS (Công ty Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà). Cách đây hơn 1 tháng, khi ban lãnh đạo SJS công khai thông tin kết quả quý III/2009 sẽ đạt lợi nhuận 400 tỉ đồng, thị trường cũng râm ran tin đồn SJS sẽ chia thưởng 1:1 và quyền mua 2:1 giá 20.000 đồng/cổ phiếu. Nhờ những thông tin nửa thực, nửa hư trên mà giá cố phiếu SJS đã tăng một mạch từ 100.000 đồng/cổ phiếu lên xấp xỉ 200.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay.

Và sự thật là vào đầu tháng 9/2009, SJS công bố thông tin với mức độ chính xác lên đến 99% tin đồn: chia thường 1:1 và quyền mua 2:1 giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, nếu nhà đầu tư nào mua SJS theo tin đồn thì thời gian qua, cổ phiếu này đã giúp NĐT đó thắng lớn. Vậy có nên đầu tư theo tin đồn? Ông Thế cho rằng, nếu biết “kiểm định” tin đồn để đầu tư, xác suất thành công sẽ nhiều hơn thất bại. Dựa vào nguyên lý “giá và khối lượng phản ánh tất cả” NĐT sẽ kiểm chứng được tin đồn.

Ví dụ, khi nghe được tin đồn về một cổ phiếu, để kiểm chứng nó, NĐT nên theo dõi lịch sử khối lượng giao dịch của cổ phiếu đó. Nếu thấy khối lượng giao dịch bỗng tăng liên tục trong những phiên giao dịch gần đây trong khi giá không tăng, đó là tín hiệu cảnh báo cổ phiếu sắp có biến động mạnh. Vì những dấu hiệu này phản ánh có lực lượng nào đó đang thu gom cổ phiếu.

Khi đã xâu chuỗi được 2 hiện tượng song hành này (tin đồn và khối lượng giao dịch tăng), NĐT có thể yên tâm đầu tư theo. Và xác suất thành công sẽ cao hơn nếu cổ phiếu mà NĐT mua vào lại là nhưng cổ phiếu đang hưởng lợi từ các chính sách kinh tế vĩ mô. . .

"Nhà đầu tư nên theo dõi sát những cổ phiếu có tin đồn và khối lượng giao dịch tăng bất thường, chờ đợi thời điểm cổ phiếu chính thức tăng giá. Khi lượng cổ phiếu trôi nổi trên thị trường được lực lượng nào đó thu gom xong, cung cầu trở nên mất cân bằng. Vì cầu lớn trong khi nguồn cung ít, cổ phiếu sẽ tăng giá. Và khi tin đồn về cổ phiếu đó trở thành tin thật thì tốc độ tăng giá càng mạnh mẽ hơn. Hiện tượng cổ phiếu SJS, STL, GMD, VIS là những ví dụ điển hình”, ông Thế chia sẻ.
Xuân Hương

0 comments:

Post a Comment