Nhận diện nhà đầu tư

NĐT tham gia vào TTCK có thể chia làm ba dạng: Tổ chức trong nước chuyên nghiệp, NĐT nước ngoài và NĐT cá nhân. Mỗi NĐT tham gia vào thị trường có thể mỗi người có các chiến lược và quan điểm đầu tư khác nhau, nhưng tất cả đều vì mục đích duy nhất là tìm kiếm lợi nhuận.

NĐT chuyên nghiệp

Tổ chức đầu tư chuyên nghiệp trong nước là ngân hàng thương mại (NHTM), Cty tài chính, Cty cho thuê tài chính, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, tổ chức kinh doanh chứng khoán (CK).

Khối NĐT này giữ một vai trò quan trọng trên TTCK, là những đơn vị kinh doanh CK có tổ chức và chuyên nghiệp trong phân tích đánh giá cơ hội đầu tư, khối NĐT này thường giao dịch CK trên thị trường với khối lượng lớn.

Chiến lược đầu tư là luôn đa dạng hoá, thời gian đầu tư thường kéo dài. Trước khi đưa ra quyết định đầu tư vào một Cty nào, đều được đưa ra cân nhắc phân tích đánh giá rất kỹ càng và chiến lược thời gian đầu tư, mức lợi suất yêu cầu rõ ràng, quyết định đầu tư không bị chi phối bởi những tin đồn hay những luồng thông tin không được xác nhận.

Thời điểm tham gia, việc đánh giá lựa chọn những CP tốt đưa vào theo dõi được thực hiện thường xuyên, khi thời cơ thích hợp đến là "ra tay". Nhờ lợi thế về vốn cộng với tính chuyên nghiệp trong đầu tư cao nên rủi ro trong thời gian trung và dài hạn là khá thấp.

Mọi trường hợp biến động về giá CK lên hay xuống, lãi hay lỗ trong ngắn hạn chỉ là những biến động về mặt con số. Chỉ cần nền kinh tế không ngừng tăng trưởng thì mức lãi bình quân của DN đã được phân tích cơ bản "duyệt" không ngừng tăng lên và CP cũng sẽ tăng giá theo.

Một nguyên tắc cơ bản của NĐT CK chuyên nghiệp là thời gian đầu tư lâu trung và dài hạn, trong thời gian đầu tư nếu lợi suất đạt đến mức yêu cầu thì mới xem xét bán đi. Nói chung khối NĐT này thông thường không tạo ra những biến động về giá CK trên thị trường một khoảng thời gian ngắn.

NĐT nước ngoài

NĐT nước ngoài (NĐTNN) có thể là cá nhân hoặc tổ chức, đây là nhóm NĐT được để ý nhất trên TTCK. Mọi động thái mua bán một hay nhiều mã CK đều gây sự chú ý đến một lượng lớn NĐTTN. Giá trị giao dịch của nhóm này chiếm tỉ trọng bình quân vào khoảng 15%-25% tổng giá trị thị trường, có những phiên tỉ trọng này lên đến 40%.

Nhiều NĐTTN đã không ít lần cố gắng tìm hiểu và giải mã quy luật giao dịch của NĐT ngoại, bởi lượng mua bán của nhóm này tác động rất lớn tới giá CK trong ngắn hạn thậm chí trong cùng một phiên.

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra, sao NĐTNN lại mua vào ở thời điểm khi mà phần lớn NĐTTN không dám mua và bán ra lúc ai cũng nghĩ là thời điểm tốt để mua vào? Vì sao NĐTTN cũng chưa dám hoặc ồ ạt mua vào hoặc bán ra một mã trong nhiều phiên liên tiếp?...

Về cơ bản, chiến lược đầu tư trong thời gian trung và dài hạn thì cũng bài bản giống các NĐT chuyên nghiệp trong nước, còn chiến lược ngắn hạn thì rất tinh vi và kỹ xảo. Khi thị trường "lình sình", các phiên tăng giảm đan xen nhau, đây là lúc đấu trí giữa một bên NĐT ngoại đầy kinh nghiệm được hỗ trợ bởi tiềm lực tài chính mạnh và một bên là NĐT cá nhân nhỏ lẻ trong nước chỉ có tiền và niềm tin là vũ khí, chiếm đến hơn 60% tổng NĐT tham gia vào TTCK.

Trong lúc thị trường "lình sình" xu thế giảm là chủ đạo, NĐTNN vẫn có thể "lướt sóng" kiếm lời. Lợi thế về vốn, quan sát ta thấy room của NĐTNN của một số blue-chip đã cạn đồng nghĩa với việc nhóm này đang sở hữu một lượng lớn CK trong tay. Chỉ cần thị trường có phiên tăng giảm là có thể mua bán kiếm lời chênh lệch.

Nguyên tắc giao dịch: Giá giảm thì mua vào, tăng thì bán ra, kể cả trong trường hợp lên không đủ 4 phiên nhưng họ vẫn bán ra được để thu chênh lệch bởi có sẵn hàng trong tay, T+3 coi như bị vô hiệu hoá.

Chú ý quan sát, nhóm NĐT ngoại chỉ tập trung "lướt" những mã mà số lượng sở hữu đã tương đối nhiều như SSI, ACB, REE, GMD, VSH... Khi thị trường giảm, họ lại xem xét mua vào những mã rẻ tiềm năng hơn, cơ cấu lại danh mục. Thực tế hiện nay, thoạt nhìn thì tưởng NĐT nước ngoài vẫn kiên trì mua vào nhiều mã nhưng thực ra họ đang giải bài toán tăng bán giảm mua hết sức chuyên nghiệp và bài bản.

NĐT cá nhân nhỏ

Tâm lý đám đông vẫn là "căn bệnh mạn tính" của NĐT cá nhân, việc thua lỗ của phần đa NĐT cá nhân trong thời gian qua chủ yếu là bị cuốn theo thị trường, không có chiến lược rõ ràng. Mua bán theo cảm tính và sự mách bảo.

Mục đích đầu tư CK là mức lãi hợp lý, còn giá CP chịu tác động chủ yếu bởi quy luật cung cầu, không có CP nào là tăng mãi và giảm mãi, tất nhiên DN đó phải hoạt động kinh doanh phát triển một cách bình thường.

Với mức lãi đầu tư trong thời gian trung và dài hạn từ 15%-20%, chỉ cần NĐT có được một tổ hợp đầu tư hiệu quả, phân tán rủi ro thì mức lãi đầu tư đó chắc chắn có thể đạt được, thay vì cứ chạy theo hết tin đồn này rồi đến tin đồn khác, những cảm xúc lo sợ, tham lam hay a dua theo số đông đan xen lẫn nhau trong hành vi đầu tư khiến việc đầu tư trở nên rủi ro và phức tạp.

Tóm lại, lòng tham vì muốn kiếm tiền nhanh chóng từ phần chênh lệch giá là điểm yếu và là cạm bẫy lớn nhất trong đầu tư CP, cũng là nguyên nhân khiến nhiều NĐT thường xuyên mua đắt bán rẻ.

1 comments:

September 3, 2009 at 5:42 PM Anonymous said...

Mình là nhà đầu tư cá nhân, mình đi theo chiến dịch du kích. Cũng có theo đóm ăn tàn các nhà đầu tư lướt sóng khác, miễn sinh lợi.

Post a Comment