Chơi chứng khoán có lãi: nhiều cách

Hiện có quá nhiều thông tin phân tích, bình luận việc làm ăn của doanh nghiệp nào đó đang có cổ phiếu mua bán trên thị trường. Một nửa sự thật không hẳn là sự thật, nhưng chừng đó cũng đủ đưa dân chơi cổ phiếu lạc vào mê hồn trận.

Với “ma trận” thông tin như vậy, hiện nay chuyện chơi cổ phiếu chủ yếu có hai loại: chứng khoán trên sàn, ngoài sàn (còn gọi là OTC) và cổ phiếu phát hành lần đầu (IPO).

Cổ phiếu OTC hiện được xem là sôi động, nhất là của các nhà băng đang hút hàng. Nhưng để mua được cổ phiếu OTC của ngân hàng hay những công ty đang ăn nên làm ra, các nhà đầu tư “dễ tính” sẽ rất dễ bị “phơi áo” nếu không tìm hiểu kỹ. Với cổ phiếu IPO mua từ các doanh nghiệp cổ phần hóa đấu giá công khai, ai trả cao thì mua được nhưng chuyện rớt giá cũng rất dễ xảy ra, nên một khi đã bước vào người ta phải chấp nhận rủi ro.

Nhà báo Quốc Trường (một người am hiểu OTC) nhìn nhận: khi mua đấu giá IPO mà nếu thiếu kinh nghiệm, nhà đầu tư dễ bị mua nhầm giá cao và khi trả giá quá thấp dĩ nhiên sẽ không ai bán. Còn mua cổ phiếu OTC hoặc cổ phiếu trên sàn giá thường rất cao nên dễ bị lỗ. Vì vậy trước khi đầu tư, cần có hiểu biết cơ bản về cổ phiếu và tài chính. Sở dĩ phải nhấn mạnh đến chuyện kiến thức như trên vì phương thức mua bán trái phiếu kỳ hạn 15 ngày (repo) đang thu hút rất nhiều đối tượng rủng rỉnh tiền bạc tại TP.HCM.

Khách hàng đến công ty môi giới (công ty này trực thuộc một nhà băng rất bề thế) ký hợp đồng mua trái phiếu kỳ hạn 15 ngày. Đây là loại trái phiếu chính phủ đang niêm yết. Phía môi giới cam kết trong hợp đồng sẽ mua lại bằng giá bán lượng trái phiếu đã bán sau 15 ngày, cộng lãi suất 0,4625%/tháng (nếu khách hàng không có tài khoản tiền gửi) hoặc 0,4675%/tháng (nếu khách hàng có tài khoản tiền gửi). Như vậy lãi suất repo trái phiếu 15 ngày cao gần gấp đôi lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn của ngân hàng nói chung. Trong trường hợp khách hàng cần bán lại trái phiếu trước ngày đáo hạn, hai bên có thể cùng thỏa thuận mức sinh lời cho họ theo số ngày mua trái phiếu thực tế.

Biết người biết ta

Nhà báo Thanh Hải (Thời báo Ngân hàng) có “chiêu” khác. Anh mang 140 cổ phần đã mua trước đó của một ngân hàng với mệnh giá 1 triệu đồng/cổ phần đến gõ cửa một công ty môi giới để thực hiện hợp đồng mua bán có kỳ hạn 3 tháng. Hải bán cho công ty toàn bộ số cổ phần nói trên chỉ với giá 2 triệu đồng/cổ phần trong khi theo thẩm định của chính công ty này, giá trên thị trường là 4 triệu đồng/cổ phần. Hải nhận được 280 triệu đồng. Bên công ty môi giới cam kết bán lại cho Hải đúng bấy nhiêu số cổ phần vào thời điểm hết hạn hợp đồng nói trên với giá 2,06 triệu đồng/cổ phần. Như vậy Hải chỉ trả thêm cho phía môi giới 8,4 triệu đồng (tương đương lãi suất 1%/tháng). Xem ra trong ba tháng ấy Hải đã có thêm 280 triệu đồng để đầu tư vào một loại cổ phiếu khác nào đó.

Dân Việt Nam mình có máu chơi vé số, chiều xổ mà không trúng coi như mất tiền mua tờ vé số hồi sáng. Còn chơi chứng khoán hiện nay dẫu còn i tờ chuyện lên sàn nhưng đồng vốn bỏ ra ấy vẫn chỉ còn là chuyện lãi ít hay nhiều thôi…